Thẩm phán được xem là một chức danh cao quý và là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Trong xã hội thượng tôn pháp luật ngày nay thì Thẩm phán càng có vai trò quan trọng. Giờ đây bạn có thể thấy hàng trăm kết quả cho từ khóa tìm kiếm về cách để trở thành Thẩm phán tại Việt Nam. Thế nhưng khi dạo quanh 1 lượt hết các website, mình nhận ra vẫn còn thiếu 1 số nội dung mà các bạn cần biết về vấn đề này.
Những năm gần đây, xuất phát từ yêu cầu cải cách tư pháp, tinh giản biên chế và chính sách tuyển dụng của hệ thống Tòa án nên con đường trở thành Thẩm phán đã có nhiều thay đổi.
Hãy cùng xem để trở thành Thẩm phán tại Việt Nam thì phải trãi qua những gì nhé!
Xem thêm bài liên quan:

Thẩm phán là ai?
Theo Từ điển Luật học (NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội – 1999, trang 458) định nghĩa:
Thẩm phán là công dân Việt Nam được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án, cấp mà người ấy được bổ nhiệm.
Thẩm phán trong tiếng Anh gọi là Judge. Theo Wikipedia, Thẩm phán (quan tòa) là người thực hiện quyền xét xử chính tại một phiên tòa. Khi tham gia xét xử, Thẩm phán có thể là chủ tọa hoặc là thành viên của Hội đồng xét xử gồm nhiều Thẩm phán.
Các quốc gia trên thế giới hiện nay có các quy định khác nhau về quyền hạn, chức năng, cách thức bổ nhiệm, kỷ luật, và đào tạo Thẩm phán.
Vậy, ở Việt Nam hiện nay, để được bổ nhiệm trở thành một Thẩm phán thì cần đáp ứng những điều kiện gì?
Về tiêu chuẩn chung của Thẩm phán
Hiện nay, tiêu chuẩn trở thành Thẩm Phán được quy định cụ thể tại Điều 67 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, cụ thể gồm có các điều kiện sau đây:
Điều 67. Tiêu chuẩn Thẩm phán 1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực. 2. Có trình độ cử nhân luật trở lên. 3. Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử. 4. Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật. 5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Thoạt nhìn thì có vẻ như các tiêu chuẩn khá là thoáng đúng không? Đây cũng là lý do mà nhiều bài viết trên mạng vẫn còn giữ nguyên bức tranh về con đường trở thành Thẩm phán qua các bước đơn giản như vầy:
– Đi học Luật và lấy bằng cử nhân Luật.
– Tham gia thi tuyển vào ngạch Thư ký Tòa án.
– Làm việc tích lũy đủ thâm niên, kinh nghiệm công tác và đảm bảo điều kiện về đạo đức, thành tích các kiểu thì sẽ được cử đi đào tạo lớp Nghiệp vụ xét xử.
– Cuối cùng, thi tuyển vào ngạch Thẩm phán sơ cấp, được bổ nhiệm trở thành Thẩm phán sơ cấp và từng bước nâng ngạch trung cấp, cao cấp, v.v.
Quy trình này hoàn toàn chính xác trong bối cảnh khoảng gần chục năm về trước.
Nhưng thực tế những năm gần đây, chính sách tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo, nâng ngạch đối với công chức giữ chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi tất yếu để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tinh giản biên chế của Nhà nước, và hơn hết là nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán các cấp. Điều này đã quyết định đến cách mà 1 người sẽ được bổ nhiệm làm Thẩm phán ở Việt Nam hiện nay.
Trở thành Thẩm phán bằng con đường chính quy
Mình gọi chính quy ở đây tức là con đường đi đúng với các quy chuẩn đã định sẵn một cách chính thức. Để đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và trở thành Thẩm phán, các bạn phải trải qua các bước sau:

Bước 1, theo học 4 năm Đại học Luật tại Học viện Tòa án.
Trước đây, nguồn tuyển dụng Thư ký Tòa án có thể là sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật ở bất cứ trường đại học nào. Thế nhưng từ những năm 2019 -2020, TAND tối cao đã ràng buộc điều kiện và chỉ chấp nhận nguồn là sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật trở lên nhưng đã được đào tạo nghiệp vụ Tòa án, nghiệp vụ xét xử. Và đến nay, Học viện Tòa án là đơn vị duy nhất có thể đào tạo và cấp các chứng chỉ nghiệp vụ này.
Chính sách tuyển dụng như trên là hoàn toàn hợp pháp và tất yếu. Từ muôn đời nay, người sử dụng lao động luôn có quyền đặt ra điều kiện tuyển dụng. Luật hiện hành, tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP cũng quy định cơ quan sử dụng công chức có quyền xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, phù hợp với vị trí việc làm; chỉ cần đảm bảo không thấp hơn tiêu chuẩn chung.
Vấn đề này cũng đã được TAND tối cao giải thích rõ tại Công văn 82/TANDTC-TCCB ngày 17/02/2021 v/v trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến quy định về tuyển dụng công chức ngành Tòa án. Các bạn quan tâm có thể tham khảo nội dung chi tiết của văn bản tại đây.
Bước 2, trúng tuyển ở kỳ thi tuyển dụng công chức Tòa án
Sinh viên Học viện Tòa án sau khi hoàn thành chương trình học, sẽ trải qua 1 lớp đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án. Tốt nghiệp Đại học kèm theo chứng chỉ này, các cô cậu sẽ nghiễm nhiên lọt vào đối tượng tuyển dụng; có thể nộp hồ sơ dự thi ở Kỳ thi tuyển dụng công chức chính quy Tòa án do TAND tối cao tổ chức.
Ngoài ra, người dự thi còn phải đáp ứng các yêu cầu về lý lịch, nhân thân; trình độ ngoại ngữ, v.v.
Sự thật là tỷ lệ trúng tuyển của sinh viên khóa 1 – Học viện Tòa án trong kỳ thi tuyển năm 2021 không đạt 100%. Nghĩa là, dù đã được đào tạo bài bản và trang bị kiến thức rất sát với kỳ thi, nhưng nếu không thật sự cố gắng và nghiêm túc thì bạn vẫn sẽ trượt ở kỳ thi này!
Bước 3, nỗ lực làm việc ít nhất 4 năm để được cử đi đào tạo nghiệp vụ xét xử
Khoảng thời gian 04 năm này không bao gồm 01 năm tập sự. Tùy vào yêu cầu công việc, Thư ký Tòa án có thể được đào tạo và chuyển ngạch Thẩm tra viên trước khi được cử đi đào tạo nghiệp vụ xét xử. Nhưng dù đang ở ngạch nào, bạn buộc phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 04 năm trở lên; có 3 năm liền kề hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện nay, điều kiện để được cử đi đào tạo nghiệp vụ xét xử quy định tại Quyết định 636/QĐ-TANDTC, cụ thể như sau:
Điều 16. Điều kiện cử đi đào tạo nghiệp vụ xét xử Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án được cử đi học đào tạo nghiệp vụ xét xử khi đáp ứng các điều kiện sau: 1. Có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 04 năm trở lên. 2. Có trình độ cử nhân Luật hệ chính quy (đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện biên giới, hải đảo thì Thủ trưởng đơn vị căn cứ điều kiện cụ thể báo cáo Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định). 3. Thời gian công tác còn lại ít nhất 7 năm tính từ ngày được cử đi học. 4. Có ít nhất 3 năm liền kề năm được cử đi học hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. 5. Đảm bảo các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn và là nguồn để dự thi tuyển chọn Thẩm phán. |
Thời gian đào tạo của lớp nghiệp vụ xét xử hiện nay được nâng từ 06 tháng lên 08 tháng.
Bước 4, dự thi và trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp
Đây là kỳ thi do Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán quốc gia tổ chức. Việc có được cử tham gia kỳ thi này hay không còn phụ thuộc vào tình hình biên chế, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị Tòa án nơi bạn công tác. Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sẽ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
Bước 5, hoàn tất thủ tục bổ nhiệm và chính thức trở thành Thẩm phán
Sau khi đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, một quy trình lấy ý kiến và đề nghị bổ nhiệm sẽ được tiến hành. Đó là một quy trình tương đối phức tạp nên có lẽ mình sẽ dành một bài viết khác đề nói chi tiết hơn.
Hiện nay, tất cả Thẩm phán các cấp đều do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam bổ nhiệm (Điều 65 Luật Tổ chức TAND năm 2014). Đây là điểm mới so với quy định trước đây thì chỉ Thẩm phán TAND tối cao mới được Chủ tịch nước bổ nhiệm; còn lại các Thẩm phán địa phương đều do Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm.
Hình thức bổ nhiệm trực tiếp của Chủ tịch nước đối với Thẩm phán có ý nghĩa nhất định. Điều này thể hiện Thẩm phán đã được Nhà nước trao cho quyền lực tối cao, nhân danh Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử.
Trở thành Thẩm phán trong những trường hợp đặc biệt
Ngoài con đường chính quy, một số trường hợp đặc biệt đã được pháp luật dự liệu có thể trở thành Thẩm phán như sau:
- Người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương;
- Tuy chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật nhưng có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và điều kiện quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều này;
- Có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp;
- Nếu người đó là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp các Tòa án quân sự.
Ví dụ:
Anh Nguyễn Văn A tốt nghiệp Trường ĐH Luật Tp.HCM, đang công tác tại UBND huyện B. Năm 2020, anh A được Đảng và Nhà nước phân công, điều động đến làm Chánh án TAND huyện B đó. Mặc dù chưa đủ thời gian công tác pháp luật nhưng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm trở thànhThẩm phán sơ cấp. Tuy nhiên, anh A vẫn phải đi đào tạo, dự thi và trúng tuyển ở kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán nhé!

Nhiệm kỳ của Thẩm phán và nâng ngạch trung cấp, cao cấp
Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Khi muốn nâng ngạch, bạn cần phải nỗ lực rèn luyện để có thể vượt qua các kỳ thi nâng ngạch trở thành Thẩm phán trung cấp, cao cấp. Với mỗi ngạch lại đi kèm với một thời gian công tác khác nhau.
* Thẩm Phán sơ cấp: Thời gian trung bình của bạn sẽ khoảng 10 năm kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó bao gồm thời gian học Đại Học (4 năm), thời gian công tác pháp luật (5 năm) và tham gia khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử (hiện nay là 08 tháng) rồi trở thành Thẩm phán theo con đường nêu trên.
* Thẩm Phán trung cấp: Thời gian trung bình để một người trở thành Thẩm phán trung cấp sẽ vào khoảng 15 năm, kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó bạn sẽ phải trở thành Thẩm Phán sơ cấp (10 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán sơ cấp (5 năm).
* Thẩm Phán cao cấp: Thời gian trung bình ể một người trở thành Thẩm phán cao cấp sẽ vào khoảng 20 năm, kể từ khi trở thành một sinh viên trường Luật. Trong đó bạn sẽ phải trở thành Thẩm Phán trung cấp (15 năm) và có thời gian công tác dưới chức danh Thẩm Phán trung cấp (5 năm).
Những ràng buộc trách nhiệm khi đã trở thành Thẩm phán
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán được ban hành năm 2018 bởi Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán quốc gia. Bộ quy tắc với 3 Chương 17 Điều, quy định những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện.
Trong Lời nói đầu, Bộ quy tắc cũng nhấn mạnh:
Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý.
Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và Nhân dân yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các Thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp, thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thẩm phán phải “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” và “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Một người để trở thành Thẩm phán phải hướng đến 7 chuẩn mực đạo đức:
- Tính độc lập
- Sự liêm chính
- Sự vô tư, khách quan
- Sự công bằng, bình đẳng
- Sự đúng mực
- Sự tận tụy và không chậm trễ
- Năng lực và sự chuyên cần
Xem chi tiết Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp
Ngoài việc tuân theo pháp luật và những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, Thẩm phán còn bị ràng buộc trách nhiệm đặc thù. Đó là Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân. Quy định này được ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, hay được gọi là Quy định 120.
Quy định này điều chỉnh việc áp dụng nguyên tắc, hình thức, hậu quả, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân có hành vi vi phạm do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.
Xem chi tiết Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp.
Những thắc mắc liên quan đến việc trở thành Thẩm phán
Muốn trở thành Thẩm phán thì phải học ngành gì ạ?
Một trong các tiêu chuẩn trở thành Thẩm phán là “có trình độ cử nhân Luật”. Vì vậy, bạn phải theo học chuyên ngành Luật nếu muốn trở thành Thẩm phán. Trước đây, nguồn tuyển dụng công chức Tòa án mở cửa đối với sinh viên tất cả các trường Luật. Tuy nhiên, hiện nay để đạt được đều mình muốn thì bạn phải học Đại học chuyên ngành Luật tại Học viện Tòa án.
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi khối nào để làm Thẩm phán?
Hiện nay, học viên phải qua 2 vòng xét tuyển nếu muốn vào học tại Học viện Tòa án. Vòng sơ tuyển sàng lọc các điều kiện về chính trị, ngoại hình, độ tuổi, v.v. Vòng xét tuyển chính thức có 4 khối là A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); C00 (Văn, Sử, Địa); D01 (Văn, Toán, Anh). Phương thức xét tuyển trên kết quả thi THPT, trên học bạ THPT và tuyển thẳng.
Thẩm phán là cán bộ hay công chức?
Thẩm phán là một chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án. Người giữ chức danh Thẩm phán, nếu không giữ các chức vụ lãnh đạo nào khác (như Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Chánh án, v.v.) thì là công chức, không phải là cán bộ.
Sau khi có bằng cử nhân Luật, phải học bao nhiêu năm nữa để làm Thẩm phán?
Sau khi có bằng cử nhân Luật, phải tích lũy đủ kinh nghiệm 04 năm làm việc trong công tác pháp luật trước khi học lớp nghiệp vụ xét xử khoảng 08 tháng. Vậy, trong điều kiện hoàn hảo nhất (không tính các điều kiện khác), một người mất thêm khoảng 5 năm để trở thành Thẩm phán, sau khi đã cày 4 năm đại học Luật.
Tiền lương của Thẩm phán có cao không?
Thẩm phán là công chức giữ chức danh tư pháp, làm nhiệm vụ xét xử tại Tòa án. Mức lương của Thẩm phán hiện nay vẫn tính theo thang lương, bảng lương chung của công chức cả nước, chỉ khác ở mức phụ cấp trách nhiệm 25%. Như vậy, với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng như hiện nay thì tiền lương của Thẩm phán là không cao (khoảng 7 đến 12 triệu đồng).
nếu không đỗ đại học tòa án thì còn những con đường nào ạ?
Mình thấy hiện nay do thiếu biên chế nên một số Tòa án cấp tỉnh đã được phép tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các Trường ĐH Luật khác. Bạn có thể tham khảo thêm thông báo tuyển dụng này.