Thứ Sáu , Tháng Sáu 9 2023

Nhận nuôi con nuôi trong tố tụng dân sự Liên bang Nga

Trong pháp luật Liên bang Nga, thủ tục nhận nuôi con nuôi không phải là 1 thủ tục hành chính, mà được tiến hành theo trình tự thủ tục tố tụng tại Tòa án. Ở Việt Nam chúng ta, tại Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình quy định những nguyên tắc chung liên quan đến quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi, còn thủ tục nhận con nuôi vẫn được thực hiện theo thủ tục “đăng ký” tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Do vậy, việc tìm hiểu quy định pháp luật của Liên bang Nga về vấn đề này cũng là một cách tiếp cận có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, hoàn thiện chế định về nuôi con nuôi ở Việt Nam.

Xem thêm:

– Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga.

– Bồi thẩm đoàn trong phiên tòa đại hình của Pháp.

Nhận nuôi con nuôi theo thủ tục tố tụng dân sự Liên bang Nga
Nhận nuôi con nuôi theo thủ tục tố tụng dân sự Liên bang Nga

Về thẩm quyền

Tòa án cấp quận nơi đứa trẻ được xin nhận làm con nuôi sinh sống hoặc cư trú sẽ là Tòa án có Thẩm quyền xem xét đơn yêu cầu. Tuy nhiên, thẩm quyền của Tòa án có sự thay đổi đối với những người nộp đơn yêu cầu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Công dân Nga thường xuyên sống ở nước ngoài;

– Công dân nước ngoài;

– Người không có quốc tịch.

Nếu những người này có nguyện vọng xin con nuôi và nếu đứa trẻ được nhận làm con nuôi là công dân Liên ban Nga thì đơn yêu cầu sẽ được gửi đến Tòa án tối cao nước cộng hòa, Tòa án khu vực, Tòa án vùng, Tòa án trực thuộc Liên bang, Tòa án vùng tự trị và Tòa án khu tự trị nơi đứa trẻ sinh sống.

Về yêu cầu đối với nội dung đơn xin nhận nuôi con nuôi, Bộ luật năm 2003 yêu cầu đơn phải có các nội dung cụ thể như sau:

– Họ và tên, nơi sinh sống của người nhận nuôi con nuôi.

– Họ và tên, ngày sinh và nơi sinh sống hoặc nơi cư trú của đứa trẻ muốn nhận làm con nuôi, thông tin về bố, mẹ, anh chị em (nếu có) của đứa trẻ đó.

– Những tình tiết làm cơ sở cho yêu cầu nhận nuôi con nuôi, tài liệu khẳng định những tình tiết đó;

– Yêu cầu về thay đổi họ tên, nơi sinh của đứa trẻ được nhận làm con nuôi cũng như ngày sinh của đứa trẻ đó nếu đứa trẻ được nhận làm con nuôi chưa đến 1 tuổi, yêu cầu về việc đăng ký cha mẹ nuôi là cha mẹ đẻ vào sổ khai sinh.

Về tài liệu phải được gửi kèm theo đơn

Bộ luật năm 2003 yêu cầu phải có:

– Bản sao giấy khai sinh của người muốn nhận nuôi con nuôi, nếu người đó chưa kết hôn khi nhận nuôi con nuôi;

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của người muốn nhận nuôi con nuôi, nếu người đó đã kết hôn khi nhận nuôi con nuôi.

– Văn bản đồng ý của vợ (hoặc chồng), trường hợp người gửi đơn xin nhận nuôi con nuôi đã đăng ký kết hôn. Hoặc phải có giấy tờ chứng minh họ đã chấm dứt quan hệ hôn nhân và đã không sống với nhau hơn một năm. Nếu không thể gửi kèm theo giấy tờ nêu trên cùng với đơn xin nhận nuôi con nuôi thì trong đơn nhận nuôi con nuôi phải đưa ra những chứng cứ để chứng minh chyo những sự kiện đó;

– Văn bản xác nhận của y tế về tình trạng sức khỏe của người muốn nhận nuôi con nuôi;

– Văn bản xác nhận của nơi làm việc về vị trí đang làm và tiền lương hoặc bản sao tờ khai về thu nhập hoặc giấy tờ khác chứng minh thu nhập của người muốn nhận nuôi con nuôi;

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng nhà ở hoặc quyền sở hữu đối với nhà ở;

– Giấy tờ xác nhận công dân đã đăng ký trong sổ những người muốn nhận nuôi con nuôi.

Riêng đối với những người muốn nhận nuôi con nuôi là công dân Liên bang Nga thường xuyên sinh sống ở nước ngoài, công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, trong trường hợp đứa trẻ được nhận làm con nuôi là công dân Liên bang Nga thì Bộ luật năm 2003 cũng đòi hỏi người gửi đơn ngoài các giấy tờ chung bắt buộc nói ở trên phải gửi kèm theo đơn còn phải có:

– Kết luận của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có người muốn nhận nuôi con nuôi là công dân hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi người không có quốc tịch thường xuyên sinh sống, nội dung kết luận là về điều kiện sống và về khả năng có thể làm cha mẹ nuôi.

– Giấy cho phép của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tương ứng về việc đưa đứa trẻ được nhận làm con nuôi đến quốc gia đó và sinh sống thường xuyên trên lãnh thổ quốc gia đó.

Riêng đối với công dân Liên bang Nga muốn nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi thì ngoài những giấy tờ chung bắt buộc nêu trên, còn phải có:

– Sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của đứa trẻ;

– Sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà đứa trẻ là công dân;

– Sự đồng ý của chính đứa trẻ đó, nếu pháp luật của quốc gia đó hoặc hiệp định quốc tế của Liên bang Nga có quy định.

Để đảm bảo tính pháp lý, Bộ luật năm 2003 cũng đòi hỏi giấy tờ của người nước ngoài muốn nhận nuôi con nuôi thì phải được xác nhận theo thủ tục chung, ngoài ra, phải được dịch ra tiếng Nga và phải được công chứng xác nhận. Một yêu cầu nữa đối với các tài liệu là mọi giấy tờ đều phải được làm thành hai bản để xuất trình.

Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga
Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga

Về thủ tục chuẩn bị giải quyết việc nhận nuôi con nuôi.

Thẩm phán phải có trách nhiệm tiến hành những việc sau đây:

– Buộc tổ chức đỡ đầu hoặc giám hộ nơi sinh sống hoặc nơi cư trú của đứa trẻ được nhận làm con nuôi phải xuất trình cho Tòa án kết luận về việc nhận nuôi con nuôi là có cơ sở và phù hợp với lợi ích của đứa trẻ được nhận làm con nuôi.

– Yêu cầu tổ chức đỡ đầu hoặc giám hộ phải xuất trình kèm theo kết luận trên là các giấy tờ sau đây:

+ Văn bản của tổ chức này kiểm tra điều kiện sinh sống của người muốn nhận nuôi con nuôi.

+ Giấy khai sinh của trẻ được nhận làm con nuôi;

+ Xác nhận của y tế về tình trạng sức khỏe, về thể chất và phát triển trí tuệ của trẻ được nhận làm con nuôi;

+ Sự đồng ý của trẻ được nhận làm con nuôi nếu trẻ đã 10 tuổi và sự đồng ý về việc thay đổi họ tên và đăng ký bố mẹ nuôi là bố mẹ đẻ, trừ khi luật liên bang không yêu cầu điều kiện này;

+ Sự đồng ý của bố mẹ đứa trẻ được nhận làm con nuôi nếu đứa trẻ chưa đủ 16 tuổi, cũng như sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của đứa trẻ, nếu không có thì cần có sự đồng ý của tổ chức đỡ đầu hoặc giám hộ;

+ Sự đồng ý của người đỡ đầu (người giám hộ), bố mẹ hoặc của người lãnh đạo của tổ chức nơi cư trú của trẻ không có sự giám hộ của bố mẹ.

Riêng đối với người muốn nhận nuôi con nuôi là công dân Liên bang Nga thường xuyên sinh sống ở nước ngoài, công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu những người này không phải là người thân thích của đứa trẻ được nhận làm con nuôi thì còn phải có:

– Giấy xác nhận của nơi lưu trữ thông tin về những đứa trẻ không có sự giám hộ của bố mẹ;

– Giấy tờ khẳng định không có khả năng chuyển trẻ cho công dân Liên bang Nga để giáo dục hoặc cho những người thân thích nhận trẻ làm con nuôi, không phụ thuộc vào quốc tịch và nơi sinh sống của người thân thích đó.

Để đảm bảo thủ tục được chặt chẽ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đứa trẻ được nhận làm con nuôi, Bộ luật năm 2003 của Liên bang Nga cũng quy định hướng mở cho phép Tòa án nếu xét thấy cần thiết có thể yêu cầu cung cấp thêm những tài liệu khác.

Việc giải quyết đơn kiện được bắt đầu sau khi việc chuẩn bị các giấy tờ trên đã hoàn tất.

Khác với những phiên tòa bình thường, phiên tòa giải quyết việc nhân nuôi con nuôi được tiến hành kín. Đồng thời, phiên tòa bắt buộc phải có sự thamg gia của người muốn nhận nuôi con nuôi, đại diện tổ chức đỡ đầu và giám hộ. Kiểm sát viên và đứa trẻ được nhận làm con nuôi nếu trẻ đã 14 tuổi. Nếu trẻ được nhận làm con nuôi là trẻ từ 10 đến 14 tuổi thì trong trường hợp cần thiết, Tòa án sẽ quyết định bắt buộc có sự tham gia của đứa trẻ được nhận làm con nuôi, bố mẹ đẻ và người có liên quan.

Về phán quyết của Tòa án

Nếu chấp nhận đơn yêu cầu, Tòa án sẽ ban hành bản án chấp nhận yêu cầu của người muốn nhận con nuôi. Trong trường hợp này, Tòa án công nhận đứa trẻ là con nuôi của (những) người được xác định và chỉ rõ trong bản án những thông tin cần thiết về trẻ được nhận làm con nuôi và bố mẹ nuôi để đăng ký quốc gia về việc nhận con nuôi trong sổ đăng ký hộ tịch của công dân.

Bên cạnh đó, khi chấp nhận yêu cầu về nhận nuôi con nuôi, Tòa án có thể không chấp nhận yêu cầu của người muốn nhận nuôi con nuôi trong việc đăng ký họ là bố mẹ đẻ của đứa trẻ vào giấy khai sinh của đứa trẻ, hay yêu cầu của họ về thay đổi ngày sinh và nơi sinh của đứa trẻ.

Khi yêu cầu được chấp nhận bằng bản án, thì quyền và nghĩa vụ của bố mẹ nuôi và của đứa trẻ được nhận làm con nuôi sẽ được xác lập kể từ ngày bản án giải quyết yêu cầu nhận nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật. Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 3 ngày, Tòa án có trách nhiệm gửi bản sao bản án cho cơ quan đăng ký hộ tịch của công dân nơi Tòa án ra bản án để đăng ký quốc gia về việc nuôi con nuôi.

Trường hợp không chấp nhận đơn yêu cầu của người muốn nhận nuôi con nuôi, Tòa án sẽ ra bản án từ chối chấp nhận đơn yêu cầu.

Thủ tục xem xét và giải quyết việc hủy bỏ việc nhận nuôi con nuôi được tiến hành theo quy định của thủ tục giải quyết vụ án theo đơn kiện.

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *