TÊN ĐỀ TÀI: “Thực tiễn áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự”.
Định dạng: File PDF | Word 2016. Độ dài: 17 trang A4.
LỜI MỞ ĐẦU
- Tính cấp thiết của đề tài
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 được ban hành có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung quan trọng hướng đến việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, những quy định về thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự thể hiện rất rõ nét về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị còn những tình huống, những sự kiện pháp lý mà Bộ luật Tố tụng Dân sự mới đã qua điều chỉnh vẫn chưa dự liệu được. Bên cạnh đó, những quy định mang tính chất bao quát hàm chứa nhiều quan điểm áp dụng khác nhau mà vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Do đó, việc nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn những bất cập trong việc áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự để đề ra những giải pháp hoàn thiện Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là cần tất yếu và cần thiết.
Từ những lý do trên, người viết chọn đề tài: “Thực tiễn áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự” để làm tiểu luận khóa 25 – Đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án.
- Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận, khảo sát những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự, tác giả tập trung nghiên cứu, đối chiếu với thực trạng hiện nay và từ đó đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm thích ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả chỉ tập trung phân tích những vấn đề pháp lý xoay quanh việc áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự và trên góc nhìn của thực tiễn hiện nay. Những quy trình, thủ tục tố tụng về kháng cáo, kháng nghị không được nghiên cứu sâu trong tiểu luận này.
- Phương pháp nghiên cứu
Hai phương pháp chủ yếu để thực hiện đề tài là phương pháp thu thập dữ liệu và phương pháp phân tích, đánh giá; từ đó rút ra kết luận cũng như thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
- Bố cục về nội dung của tiểu luận
Chương 1: Khái quát chung về việc áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự.
Chương 2: Áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương 3: Thực trạng áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự và một số giải pháp.
Chương 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ VIỆC ÁP DỤNG THỜI HẠN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
1.1 Khái niệm thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự
1.1.1 Khái niệm chung về thời hạn
Theo cách hiểu thông thường, khái niệm “thời hạn” được hiểu đơn giản là một khoảng thời gian có giới hạn nhất định được đặt ra để làm một việc gì đó[1].
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm về “thời hạn” được định nghĩa rất rõ bởi các quy định của Bộ luật dân sự hiện hành (năm 2015). Theo đó, thời hạn được hiểu là “một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác” và có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra[2].
Như vậy, “thời hạn” được hiểu là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác do pháp luật quy định hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận và có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra để một hoặc nhiều chủ thể thực hiện quyền nghĩa vụ của mình bằng một hoặc một số hành vi nhất định. Thời hạn được xác định bởi thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc. Tuy nhiên, thời hạn vẫn có thể được gia hạn nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc gia hạn sau khi kết thúc thời hạn đó và hành vi được thực hiện quá thời hạn ấn định có thể được xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận.
1.1.2 Thời hạn kháng cáo trong vụ án dân sự
Kháng cáo (hay còn gọi với thuật ngữ “kháng án”, “chống án”) là việc đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện bày tỏ ý kiến chống lại để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, thời hạn kháng cáo trong vụ án dân sự được hiểu là thời hạn, hay một khoảng thời gian nhất định do pháp luật quy định để các chủ thể có quyền kháng cáo thực hiện việc kháng cáo.
1.1.3 Thời hạn kháng nghị trong vụ án dân sự
Kháng nghị phúc thẩm là việc cơ quan Viện kiểm sát khi thực hành quyền kiểm sát hoạt động tư pháp không đồng ý với toàn bộ hoặc một phần quyết định của bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án sơ thẩm; gửa văn bản đến Tòa án làm ngưng hiệu lực thi hành đối với toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định đó để đề nghị Tòa án cấp trên xét xử, giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Bên cạnh kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là việc cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là những chủ thể quyền phát hiện bản án án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có căn cứ kháng nghị để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tiến hành giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đó.
Như vậy, thời hạn kháng nghị là trong vụ án dân sự là một khoảng thời gian nhất định do pháp luật quy định để các chủ thể có quyền kháng nghị thực hiện việc kháng nghị.
1.2 Ý nghĩa, vai trò của việc áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự
Có thể nói, các chế định về quyền kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự là những quy định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và các nguyên tắc xét xử cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, việc áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị; hay nói cách khác là áp dụng giới hạn về mặt thời gian thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị không đồng nghĩa với việc giới hạn quyền kháng cáo, kháng nghị.
Hệ quả của việc kháng cáo, kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm là dẫn đến việc xem xét, giải quyết lại một phần hoặc toàn bộ vụ án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy, để có thể nghiên cứu, nhận thức một cách đúng đắn, nghiêm chỉnh và đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của việc áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị trong vụ án dân sự, trước hết chúng ta cần tìm hiểu khái quát về tính chất của xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm:
– Tính chất của xét xử phúc thẩm: Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 270 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
– Tính chất của xét xử giám đốc thẩm: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật này. Theo đó, các căn cứ, điều kiện đề kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là khi: (a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; (b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; (c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba (Điều 326 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
– Tính chất của xét xử tái thẩm: Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó (Điều 351 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
Như vậy, việc kháng cáo, kháng nghị theo các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm đều mang ý nghĩa chống lại bản án, quyết định mà Tòa án đã ban hành; hệ quả của việc kháng cáo, kháng nghị dẫn đến việc xem xét lại vụ án và trực tiếp hoặc là tiền đề tạm ngưng việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Hay nói cách khác, việc kháng cáo, kháng nghị nhằm mục đích ngăn chặn hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án.
Với đặc điểm và tính chất nêu trên, việc áp dụng thời hạn cho việc kháng cáo, kháng nghị có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Việc giới hạn một khoảng thời gian làm cho chủ thể có quyền kháng cáo, kháng nghị có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình một cách nhanh chóng, kịp thời.
Khoảng thời gian nhất định của thời hạn kháng cáo, kháng nghị đó có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc, nếu chủ thể có quyền không thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị thì bị mất quyền và bản án, quyết định đã ban hành có hiệu lực pháp luật, đảm bảo nguyên tắc cơ bản về hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án (Điều 19 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
1.3 Cách tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Về cách tính thời hạn[3], trong trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày; b) Nửa năm là sáu tháng; c) Một tháng là ba mươi ngày; d) Nửa tháng là mười lăm ngày;
đ) Một tuần là bảy ngày;
e) Một ngày là hai mươi tư giờ; g) Một giờ là sáu mươi phút; h) Một phút là sáu mươi giây.
Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng; b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng; c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một; b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu; c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
Trong khoảng thời gian được ấn định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền hoặc có nghĩa vụ thực hiện một công việc nhất định, một giao dịch dân sự hoặc cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vấn đề cụ thể,… Khoảng thời gian nhất định đó có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 cụ thể như sau:
“Điều 147. Thời điểm bắt đầu thời hạn
- Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
- Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
- Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó”.
“Điều 148. Kết thúc thời hạn
- Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
- Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
- Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
- Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
- Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
- Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”.
Tuy nhiên, cách tính thời hạn tố tụng xác định theo ngày phải thực hiện theo đúng quy định tại về xác định thời điểm bắt đầu thời hạn, kết thức thời hạn(xem khoản 2 Điều 147, khoản 1 Điều 148 Bộ luật dân sự 2015). Ngày lập biên bản (11/03/2016) là “ngày được xác định” (ngày làm “mốc” thời gian để tính thời hạn) không được tính, thời điểm bắt đầu tính thời hạn là ngày 12/03 nên thời điểm kết thúc thời hạn 7 ngày là thời điểm kết thúc của ngày 18/03/2016. Vì vậy, bước sang ngày 19/03/2016, thẩm phán mới có quyền ra quyết định công nhận sự của các đương sự. Trường hợp ngày thứ 7 (ngày nghỉ cuối tuần) cơ quan không tổ chức làm thêm giờ thì ngày 21/103/2016, thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là đúng pháp luật, không vi phạm thời hạn tố tụng.
Cách tính thời hạn để thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị cũng được tính tương tự. Ví dụ: ngày tuyên án là ngày được xác định, ngày bắt đầu tính thời hạn là ngày đầu tiên kế tiếp liền kề ngày tuyên án . Ngày kết thúc thời hạn trùng vào ngày nghỉ, lễ, tết, thì ngày kết thúc chuyển sang ngày làm việc đầu tiên tiếp theo liền kề.[4]
Chương 2 THỜI HẠN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ TRỌNG VỤ ÁN DÂN SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
2.1 Thời hạn kháng cáo trong vụ án dân sự
2.1.1 Thời hạn kháng cáo trong vụ án dân sự theo thủ tục chung
Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 273. Thời hạn kháng cáo
- Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận”.
Như vậy, về cơ bản thời hạn kháng cáo theo thủ tục chung được quy định đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày và đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày. Thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn kháng cáo được quy định cụ thể đối với từng trường hợp nhưng trên tinh thần chung, thời hạn kháng cáo luôn được tính bắt đầu kể từ ngày mà người có quyền kháng cáo biết được hoặc phải biết được nội dung phán quyết của bản án, quyết định sơ thẩm.
Về cách tính thời hạn kháng cáo được áp dụng theo quy định chung của Bộ luật Dân sự 2015 như đã phân tích ở Chương 1.
So với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì thời hạn kháng cáo trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có một số điểm mới sau đây:
Một là, do thời hạn kháng cáo có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền kháng cáo của các đương sự nên Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn kháng cáo so với Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011.
Theo quy định của Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm được giữ nguyên là 15 ngày. Tuy nhiên, thời điểm để tính thời hạn 15 ngày đối với các trường hợp khác nhau được xác định khác nhau. Trường hợp thứ nhất, nếu các đương sự có mặt tại phiên tòa khi tòa tuyên án thì thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp thứ hai, nếu các đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Trường hợp thứ ba, nếu các đương sự, người đại diện của đương sự có mặt tại phiên tòa nhưng không có mặt khi Tòa án tuyên án thì khi tính thời hạn kháng cáo phải xét đến lý do vắng mặt của họ; nếu họ vắng mặt có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án, quyết định hoặc bản án được niêm yết; nếu họ vắng mặt không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án (đây là một hậu quả pháp lý bất lợi được áp dụng khi những chủ thể này đã cố ý vắng mặt khi tòa tuyên án mà không có lý do).
Hai là, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định hoàn toàn mới về xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam.
Đây là một quy định nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của các chủ thể có tính chất đặc thù, hướng tới sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đề cao vị trí của quyền con người trong tố tụng dân sự. Xét về lý thuyết của pháp luật tố tụng hình sự, việc xây dựng các quy định về tạm giam áp dụng cho các chủ thể được suy đoán là có khả năng hoặc đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm bảo đảm cho mọi công dân được sống trong xã hội mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ, tránh được sự tấn công, xâm hại từ những chủ thể nhất định. Đồng thời, đây là một biện pháp hữu hiệu bảo đảm cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đạt hiệu quả cao[5]. Khi bị áp dụng biện pháp tạm giam, các chủ thể có thể bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân, đơn cử như quyền tự do đi lại… Tuy nhiên, trong pháp luật tố tụng dân sự, quyền kháng cáo của người bị áp dụng biện pháp tạm giam không bị hạn chế. Vì trong thời hạn bị tạm giam, người bị tạm giam không thể gửi đơn kháng cáo cho Tòa án nên họ có thể không thực hiện được quyền kháng cáo. Do đó, nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của người bị tạm giam Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận”.
2.1.2 Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài
Ngoài những trường hợp áp dụng thời hạn kháng cáo theo thủ tục chung, pháp luật tố tụng dân sự còn có quy định thời hạn kháng cáo trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định dựa vào những đặc điểm và điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 464 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bao gồm một trong các trường hợp sau đây: (a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; (b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; (c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Về áp dụng thời hạn, theo quy định tại Điều 479 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài:
“1. Đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này.
- Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật này thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng, kể từ ngày tuyên án”.
Như vậy, đối với những trường hợp đặc biệt do khoảng cách địa lý và điều kiện khách quan khác mà cần thời gian dài hơn đề đảm bảo cho đương sự ở nước ngoài biết được nội dung phán quyết của Tòa án thì thời hạn kháng cáo được kéo dài. Đặc biệt, trong trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477:
“Trường hợp nguyên đơn là công dân Việt Nam yêu cầu ly hôn với người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài mà không thể thực hiện việc cung cấp đúng họ, tên, địa chỉ hoặc địa chỉ mới của người nước ngoài theo yêu cầu của Tòa án mặc dù nguyên đơn, thân nhân của họ hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài đã tiến hành xác minh tin tức, địa chỉ của người nước ngoài đó nhưng không có kết quả thì nguyên đơn yêu cầu Tòa án thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp.
Trong trường hợp này, Tòa án không phải tống đạt lại văn bản tố tụng cho đương sự ở nước ngoài. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày đăng thông báo, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt đương sự”.
Đối với trường hợp này, thời hạn kháng cáo là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.
2.2 Thời hạn kháng nghị trong vụ án dân sự
2.2.1 Thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Theo đó, thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định[6].
Như vậy, về nguyên tắc thời hạn kháng nghị được quy định giống như thời hạn kháng cáo. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn vẫn dựa trên cơ sở kể từ ngày người có quyền kháng nghị biết được nội dung của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
So với quy định tại khoản 1 Điều 252 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có điểm mới khi quy định thời hạn kháng nghị của cơ quan Viện kiểm sát cấp trên là “01 tháng” thay vì “30 ngày” như trước đây.
Và theo Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn cách tính thời hạn kháng nghị bản án của Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, tại khoản 2 Điều 4 quy định:
“Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án, trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên toà sơ thẩm”.
Như vậy theo hướng dẫn của Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 thì thời hạn kháng nghị bản án được tính là ngày tiếp theo ngày tuyên án trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà.
Ví dụ: Vụ án có kiểm sát viên tham gia phiên toà, và toà tuyên án vào ngày 15/3/2017 thì thời hạn kháng nghị sẽ được tính từ ngày 16/3/2017.
Về thời hạn kháng nghị bản án tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên toà thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án”.
Như vậy theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn kháng nghị được tính kể từ ngày tuyên án, trong trường hợp Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Và cho đến thời điểm này vẫn chưa có Nghị quyết hướng dẫn cách tính thời hạn kháng nghị theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
2.2.2 Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 334 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
“1. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị: a) Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; b) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó”.
Như vậy, về nguyên tắc thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đây là một khoản thời gian đủ lâu để một bản án đã có hiệu lực pháp luật đang hoặc đã được thi hành bộc lộ những vi phạm nếu có, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó. Tuy nhiên, thời hạn này còn được gia hạn thêm 02 năm nếu có những tính chất đặc biệt như quy định tại khoản 2 Điều 334 nêu trên.
2.2.3 Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong những căn cứ sau đây (Điều 352 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015):
- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
- Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
- Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.
Theo đó, thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 355 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:
“Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật này”.
Như vậy, do tính chất của tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó. Cho nên thời điểm bắt đầu thời hạn kháng nghị tái thẩm không phải là một mốc thời gian nhất định mà phụ thuộc vào thời điểm phát hiện tình tiết mới là một trong những căn cứ để kháng nghị nêu tại Điều 352 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
2.3 Kháng cáo, kháng nghị quá thời hạn luật định
2.3.1 Kháng cáo quá hạn
Về nguyên tắc, kháng cáo của đương sự chỉ được chấp nhận khi còn thời hạn kháng cáo, hết thời hạn kháng cáo, các chủ thể không còn quyền kháng cáo. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án có thể chấp nhận kháng cáo quá hạn nếu có lý do chính đáng. Quy định này là hợp lý bởi lẽ, kháng cáo là quyền tự định đoạt của đương sự nhưng do trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng mà đương sự không thể thực hiện được quyền kháng cáo trong thời hạn pháp luật quy định. Khi đương sự có đầy đủ chứng cứ để chứng minh việc kháng cáo quá hạn là có lý do chính đáng thì phải được Tòa án chấp nhận. Việc xem xét kháng cáo quá hạn được thực hiện theo thủ tục chung mà trong phạm vi đề tài tác giả không đề cập.
2.3.2 Kháng nghị quá hạn
Khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định hoàn toàn mới về việc Viện kiểm sát phải giải thích với Tòa án khi kháng nghị quá hạn:
“Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Như vậy, dựa vào câu chữ của luật chúng ta dễ dàng nhần thấy Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 dự liệu cả trường hợp Viện kiểm sát sẽ kháng nghị quá thời hạn luật định. Và dĩ nhiên, việc Tòa án yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do là quy định hợp lý và dễ hiểu. Tuy nhiên, sau khi có văn bản giải thích của Viện kiểm sát thì việc có chấp nhận hay không việc kháng nghị quá hạn chưa được pháp luật quy định rõ và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nên quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Tác giả sẽ phân tích chi tiết hơn về vấn đề này trong phần tiếp theo của tiểu luận.
Chương 3 THỰC TRẠNG ÁP DỤNG THỜI HẠN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
3.1 Trường hợp đương sự chết trong khi thời hạn kháng cáo vẫn còn
Khác với vụ án hình sự, trong vụ án dân sự khi có đương sự đang tham gia tố tụng chết mà quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế của họ tham gia tố tụng (theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).
Thực tiễn xét xử ghi nhận nhiều trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn kháng cáo thì đương sự chết mà quyết định của bản án sơ thẩm lại tuyên nội dung bất lợi cho họ. Nói một cách đơn giản, đương sự là người vừa thua kiện trong vụ án dân sự chưa kịp kháng cáo thì đã chết. Như vậy, theo quy định tại Điều 74 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, nếu quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế lúc này tham gia tố tụng và được kế thừa quyền kháng cáo của đương sự đã chết.
Ví dụ: Trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng cầm cố quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn Phùng Văn B và bị đơn Phùng Thị N, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị L. Theo đó, nguyên đơn ông Phùng Văn B khởi kiện đòi chuộc lại phần đất đã cầm cố cho bà Phùng Thị N. Bà N không đồng ý vì cho rằng phần đất này đã được chuyển nhượng chứ không phải cầm cố và sau khi nhận chuyển nhượng, bà N đã cầm cố chính phần đất này cho bà L và bà L đang trực tiếp canh tác trên đất.
Ngày 30/12/2017, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phùng Văn B và tuyên bố các hợp đồng cầm cố vô hiệu, buộc bà Phạm Thị L cùng với bà Phùng Thị N giao trả phần đất cho ông B (các đương sự đều có mặt). Đến ngày 05/01/2018, Tòa án tống đạt bản án sơ thẩm cho bà L thì được biết bà L chết do bị tai nạn giao thông vào ngày 01/01/2018 nên bản án được giao cho chồng của bà L là ông Thái Văn Nh ngày 05/01/2015.
Như vậy, lẽ ra bà L có quyền và có thể nộp đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Và trên thực tế người thừa kế của bà L là ông Thái Văn Nh đã đứng ra kháng cáo nhân danh bà Phạm Thị L. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo áp dụng trong trường hợp này là ngày tuyên án (30/12/2017) hay ngày người thừa kế là ông Thái Văn Nh nhận được bản án (05/01/2018).
Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành ghi nhận người thừa kế của đương sự tham gia tố tụng khi đương sự chết mà quyền và nghĩa vụ về tài sản của họ vẫn còn. Dựa vào tinh thần của luật, chúng ta có thể hiểu sự kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp này là “sự tiếp nối” những gì đương sự đang thực hiện mà còn dang dở. Như vậy, việc thụ hưởng thời hạn kháng cáo từ đương sự đã chết có được hiểu là sự nối tiếp hay không? Nếu có, khoảng thời gian để ông Nh kháng cáo không phải là 15 ngày mà chỉ là 09 ngày còn lại. Giả sử, có một trường hợp khác mà bà L chết vào ngày thứ 14 của thời hạn kháng cáo thì thời hạn dành cho người kế thừa của bà L thật ngắn ngủi. Điều này không phù hợp với tính nhân văn và các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự.
Về giải pháp, theo quan điểm của tác giả thì thời hạn kháng cáo trong trường hợp này phải được tính kể từ ngày người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ đối với họ.
3.2 Xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giữ
Nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của người bị tạm giam Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận”. Tuy nhiên, đối với người có quyền kháng cáo đang bị tạm giữ hình sự thì pháp luật tố tụng dân sự không có đề cập.
Tác giả cho rằng, bên cạnh quy định về xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo bị tạm giam, pháp luật cần bổ sung quy định xác định ngày kháng cáo đối với các chủ thể bị tạm giữ. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bên cạnh biện pháp tạm giam thì tạm giữ cũng là một biện pháp ngăn chặn; tuy nhiên, điều kiện và thời hạn áp dụng của hai biện pháp này là khác nhau. Về thời hạn tạm giữ, khoản 1 Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị giữ...”. Theo quy định này, trong thời hạn bị tạm giữ, quyền kháng cáo của người bị tạm giữ có thể bị ảnh hưởng nên pháp luật cần có quy định về việc xác định ngày kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo bị tạm giữ.
3.3 Xử lý kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm quá thời hạn luật định
Trong bối cảnh của pháp luật hiện hành, đối với việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 không đề cập đến việc quá hạn nên chúng ta hiểu luật không chấp nhận việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm sau khi thời hạn kháng nghị đã hết. Tuy nhiên, như đã phân tích ở mục 2.3.2 (Chương 2) của tiểu luận, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành có quy định hoàn toàn mới về việc Viện kiểm sát phải giải thích với Tòa án khi kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm quá hạn. Thế nhưng sau khi có văn bản giải thích của Viện kiểm sát thì việc có chấp nhận hay không việc kháng nghị quá hạn chưa được pháp luật quy định rõ và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nên quy định tại khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Câu hỏi được đặt ra là quy định Viện kiểm sát phải giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do khi kháng nghị quá hạn có được hiểu là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quá hạn theo thủ tục phúc thẩm hay không? Với mỗi góc độ tiếp cận khác nhau thì khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đều thể hiện sự bất hợp lý.
Dưới góc độ pháp lý, các nhà làm luật đã xây dựng Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 hẳn có ý đồ nhất định trong việc quy định khi kháng nghị quá hạn, Viện kiểm sát phải giải thích bằng văn bản và nêu lõ lý do cho Tòa án. Hành vi tố tụng này của Viện kiểm sát phải tất yếu dẫn đến việc Tòa án phải tiến hành xem xét văn bản giải thích lý do kháng nghị phúc thẩm quá thời hạn luật định của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, về trình tự thủ tục cũng như căn cứ để chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị phúc thẩm quá hạn thì pháp luật tố tụng không đề cập đến.
Ở một góc nhìn khác, nếu tinh thần của Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép Viện kiểm sát có quyền kháng nghị phúc thẩm quá hạn trong một số trường hợp nhất định thì quy định này có vẻ như trái với lý luận chung của tố tụng dân sự. Bởi vì: (i) Xuất phát từ chức năng của Viện kiểm sát là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự nên Viện kiểm sát không thể viện dẫn nguyên tắc khách quan hay chủ quan để kháng nghị quá hạn được; hơn nữa Viện trưởng Viện kiểm sát là người có thẩm quyền, chuyên môn, kiến thức pháp lý cao nên họ phải biết và có đủ điều kiện để thực hiện việc kháng nghị theo đúng thời hạn pháp luật quy định; (ii) Ngoài ra, tính chất của kháng nghị phúc thẩm khác với kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vì việc kháng nghị phúc thẩm dẫn đến hậu quả là những phần của bản án, quyết định bị kháng nghị sẽ không có hiệu lực pháp luật. Nếu chấp nhận giải pháp Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quá hạn sẽ làm phát sinh một số trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật trở thành chưa có hiệu lực.
Theo quan điểm của tác giả, cho dù người có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm là người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thật đặc biệt mà pháp luật chưa dự liệu được, việc kháng nghị quá hạn có thể không xuất phát từ vấn đề chuyên môn mà là do trở ngại khách quan và việc kháng nghị là cần thiết thì việc chấp nhận kháng nghị phúc thẩm quá hạn làm cho vụ việc dân sự được giải quyết kịp thời, dứt điểm và đúng pháp luật. Vì vậy, kháng nghị phúc thẩm quá hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là một điểm mới tiến bộ nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu và quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau. Do đó, Nghị quyết hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 phải có quy định cụ thể về trường hợp này để tạo nên tính thống nhất giữa khi áp dụng pháp luật.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Thời hạn kháng cáo, kháng nghị là một chế định quan trọng được Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới hướng đến việc mở rộng, tôn trọng và đảm bảo quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, thời hạn kháng cáo được quy định cụ thể đối với từng trường hợp để người có quyền kháng cáo thực hiện việc kháng cáo của mình, đặc biệt là việc quy định thời hạn kháng cáo đối với người đang bị tam giam và đương sự trong vụ án có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, thời hạn kháng nghị phúc thẩm cũng được bổ sung điểm mới về việc kháng nghị quá thời hạn quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát phải có văn bản giải thích lý do,…
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng thời hạn kháng cáo, kháng nghị còn phát sinh không ít những trường hợp chưa được pháp luật dự liệu:
1. Đối với vụ án dân sự mà đương sự chết trong khi thời hạn kháng cáo vẫn còn và quyền kháng cáo của họ được kế thừa thì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về thời điểm bắt đầu và kết thúc thời hạn kháng cáo đối với người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự nên dẫn đến nhiều cách hiểu và quan điểm áp dụng thời hạn khác nhau. Theo tác giả, thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo áp dụng đối với người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong trường hợp này nên được quy định theo hướng tính lại thời hạn kháng cáo kể từ ngày người thừa kế nhận được bản án, quyết định sơ thẩm (hoặc kể từ ngày niêm yết theo quy định của pháp luật). 2. Đối với người đang bị tạm giữ cũng là một trường hợp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn mà quyền tự do đi lại của người đó bị hạn chế. Vì vậy, tương tự như trường hợp người đang bị tạm giam, tác giả cho rằng cần thiết phải quy định về việc xác định ngày kháng cáo đối với người bị tạm giữ. 3. Đối với việc kháng nghị quá thời hạn luật định hiện nay được quy định theo hướng mở. Pháp luật tố tụng đã dự liệu trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị quá hạn nhưng không đề cập đến trình tự thủ tục cũng như căn cứ để xem xét kháng nghị quá hạn. Theo quan điểm của tác giả, quy định này có tính bao quát nhưng không chặt chẽ, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
- Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
II. DANH MỤC SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ
Lê Thanh Lâm, Một số vấn đề về người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự là cá nhân trong vu án dân sự, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 5(325) năm 2015, tr.28;
III. DANH MỤC CÁC TRANH THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
- Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Mở: [https://vi.wiktionary.org/wiki/thời_hạn#Tiếng_Việt], truy cập 21/5/2018;
- s Đặng Quang Dũng, Th.s Nguyễn Thị Minh, Học viện Tòa án, “Một số vấn đề về thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự”, [http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/ hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&folder_id=&item_id=164396018&p_details=1]; truy cập 21/5/2018
- Vũ Hoàng Anh, Đại học Luật Hà Nội, “Thủ tục kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, [http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=355], truy cập ngày 21/5/2018.
*** Chú thích:
[1] Từ điển Bách Khoa Toàn Thư Mở: https://vi.wiktionary.org/wiki/thời_hạn#Tiếng_Việt
[2] Điều 144 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Điều 146 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Th.s Đặng Quang Dũng, Th.s Nguyễn Thị Minh, Học viện Tòa án, “Một số vấn đề về thời hạn, thời hiệu và cách tính thời hạn, thời hiệu trong pháp luật dân sự và tố tụng dân sự”, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/ page/portal/hvta/27676686/27677461?pers_id=28346379&folder_id=&item_id=164396018&p_details=1
[5] Bài viết: “Khái niệm, ý nghĩa của tạm giam” đăng tải trên trang web luathinhsu.vn.
[6] Điều 280 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
———————-
123Luat không khuyến khích sao chép nên chỉ chia sẻ File PDF để cộng đồng tham khảo. Trường hợp thật sự cần tham khảo File Word (vì lý do nào đó), các bạn có thể để lại lời nhắn hoặc ý kiến phản hồi tại đây và chúng mình sẽ cân nhắc. Cảm ơn các bạn đã ghé thăm website!
Cho em xin tên tác giả của tiểu luận để làm nguồn tài liệu tham khảo cho quá trình nghiên cứu ạ. Em xin cảm ơn
Chào bạn! Tác giả tên Nguyễn Thanh Phong, Lớp Đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án, khóa 25, Học viện Tòa án bạn nhé!
Em cảm ơn ạ
cho em hỏi web đang bị lỗi hay sao ạ em không kéo đọc được nội dung
Chào bạn, website vẫn đang hoạt động bình thường ạ! Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết bạn có thể nêu chi tiết và gửi vào địa chỉ email: quantri@123luat.com để được hỗ trợ nhe!